Cuộc họp nhóm công tác đa ngành về kháng kháng sinh (AMR) tại Hà Nội là cơ hội để cập nhật tiến độ phòng ngừa kháng kháng sinh ở người, động vật và môi trường tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ kết quả nghiên cứu của các dự án trong nước.

Cuộc họp đã quy tụ các ngành liên quan bao gồm y tế, thú y, bảo vệ thực vật, môi trường, và công thương, nhằm tăng cường sự phối hợp của các ban ngành và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, cũng như tăng cường quan hệ đối tác công-tư trong việc quản lý, giám sát kháng sinh và phòng ngừa kháng kháng sinh.

Sự kiện diễn ra vào ngày 26 tháng 7 là cuộc họp lần thứ hai của nhóm, được tổ chức bởi Ban thư ký Đối tác Một sức khỏe thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), với sự tài trợ từ Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (DAH) cho biết:

Tăng cường cam kết đa ngành và hợp tác quốc tế trong quản lý, giám sát và phòng ngừa tình trạng kháng thuốc rất quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới xác định Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với tỷ lệ kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mặc dù có hệ thống quản lý toàn diện về kháng sinh và kế hoạch hành động quốc gia về kháng sinh sớm hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhu cầu kiểm soát tình trạng kháng thuốc. Nhiệm vụ cấp bách này đòi hỏi phải huy động và đầu tư nguồn lực và được triển khai một cách hiệu quả.

Cuộc họp được chia thành hai phần. Phần thứ nhất bao gồm những cập nhật về quản lý kháng kháng sinh từ các cơ quan quản lý nhà nước và chia sẻ kết quả nghiên cứu về kháng khánh sinh của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe (xem tóm tắt kết quả nghiên cứu ở bên dưới).

Phần thứ hai gồm hai phiên thảo luận với các chuyên gia. Phiên thảo luận thứ nhất tập trung vào những lợi thế và thách thức của các cơ quan quản lý nhà nước trong phối hợp đa ngành nhằm giảm thiểu kháng kháng sinh. Phiên thứ hai thảo luận về các biện pháp tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong việc giám sát và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến kháng kháng sinh.

KẾT QUẢ VÀ KIẾN NGHỊ CỦA TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU GIA CẦM MỘT SỨC KHỎE

Các nghiên cứu viên của Hub là Trịnh Thế Hưng và Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Sơn đã trình bày các kết quả của Dự án như sau.

Kết quả rà soát các quy định liên quan đến kháng kháng sinh

 Kết quả chính:

  • Các quy định liên quan đến sản xuất, phân phối, sử dụng và xử lý thuốc kháng sinh trong lĩnh vực y tế và thú y được nêu chi tiết và sát với các tiêu chuẩn quốc tế.
  • Không có quy định cụ thể liên quan đến kháng sinh trong chất thải.
  • Các quy định liên quan đến kháng sinh và kháng kháng sinh có thể được sửa đổi khi cần thiết để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi. Những sửa đổi hoặc thay đổi đôi khi rất nhỏ và nằm rải rác trong các văn bản pháp lý, khiến cho cá nhân, đặc biệt là người chăn nuôi, khó nhận biết.
  • Báo chí và phương tiện truyền thông đóng vai trò tích cực trong đưa tin và nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh, và tuyên truyền Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh.

 Kiến nghị:

  • Tăng cường tuyên truyền các quy định về kháng sinh trong cộng đồng.
  • Kêu gọi tài trợ cho các nghiên cứu liên ngành để đánh giá tác động của việc sử dụng kháng sinh, bao gồm các tác động đến môi trường.
  • Xây dựng các hướng dẫn chung về chiến lược giảm thiểu sử dụng kháng sinh và xác định giới hạn pháp lý về ô nhiễm thuốc kháng sinh trong môi trường.
  • Đảm bảo các tài liệu pháp lý về kháng sinh trong môi trường được xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học.

Kết quả nghiên cứu dư lượng kháng sinh và kháng kháng sinh trong chuỗi cung ứng gà thịt

Kết quả chính:

  • Tỷ lệ tồn dư kháng sinh cao (≥ ngưỡng cho phép) ở gà tại các chợ (8,6%) và ở gà giai đoạn xuất chuồng tại các trang trại (10,2%).
  • Tỷ lệ lưu hành các gen kháng thuốc cao ở vi khuẩn Campylobacter và ở vi sinh vật trong đường ruột gà.

 Kiến nghị:

  • Mở rộng nghiên cứu sang các tỉnh khác của Việt Nam.
  • Tăng cường tham vấn và giám sát về việc sử dụng kháng sinh thận trọng tại các trang trại
  • Cải thiện việc chuyển giao kiến ​​thức sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cả về lý thuyết và thực hành trong phòng thí nghiệm
  • Giáo dục các bên liên quan và bác sĩ thú y tại các tỉnh về kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh thận trọng.
  • Hoàn thiện các hướng dẫn an toàn sinh học cho các trang trại để đảm bảo thịt gia cầm sạch và an toàn cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Quản lý nhà nước

Tiến sĩ Lê Thị Huệ, Cục Thú y đã cập nhật kết quả thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về kháng kháng sinh giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025. Kết quả đạt được như sau:

  • Việt Nam đã xây dựng chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc và khung hợp tác liên ngành.
  • Có các quy định chi tiết nêu rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ và sở ban ngành.
  • Mỗi bộ, chẳng hạn như Bộ Y tế, Bộ NN & PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiến hành xây dựng đề án dựa trên khung chiến lược.
  • Các kế hoạch, rà soát chính sách, và hướng dẫn về kháng kháng sinh đã được lập thành văn bản.
  • Ban chỉ đạo quốc gia và nhóm công tác kỹ thuật về kháng kháng sinh đã được thành lập và hiện đang tổ chức các cuộc họp.

Thách thức trong quản lý kháng kháng sinh

Những thách thức trong công tác quản lý kháng kháng sinh cũng được đề cập trong cuộc họp.

Việc triển khai và tuân thủ chiến lược quốc gia vẫn còn hạn chế, đồng thời sự hợp tác giữa các bên vẫn chưa được thường xuyên và hiệu quả. Mỗi bộ và ngành đều có khung thời gian và ưu tiên riêng. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế hoạt động và ưu tiên chung giữa các bộ ban ngành trong công cuộc phòng chống kháng kháng sinh.

Hơn nữa, chủ trang trại và người nuôi trồng thủy sản có nhận thức và kiến ​​thức hạn chế về việc sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh. Họ thường dựa vào kinh nghiệm của riêng mình và kinh nghiệm của những người chăn nuôi khác khi sử dụng thuốc kháng sinh.

Nghiên cứu về dư lượng thuốc kháng sinh trong nước thải và môi trường vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và chưa có tính hệ thống.

Phòng chống kháng kháng sinh

Ý kiến ​​đóng góp của các bên liên quan để phòng chống kháng thuốc như sau:

  • Các tổ chức nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu với các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan, đồng thời phối hợp với các nhà hoạch định chính sách để xác định các chủ đề nghiên cứu phù hợp với nhu cầu của họ.
  • Một số công ty thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi đầu tư xây dựng các trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh động vật để hỗ trợ người chăn nuôi phát hiện mầm bệnh và làm kháng sinh đồ. Họ cũng tư vấn miễn phí cho các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản về sử dụng kháng sinh, giúp người chăn nuôi giảm chi phí thuốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.
  • Chính phủ phối hợp và đảm bảo xem xét quyền lợi của khu vực tư nhân trong công cuộc phòng chống kháng kháng sinh. Ví dụ, các công ty và người nông dân có thể được cấp chứng chỉ và được hưởng lợi từ việc quản lý và giám sát kháng kháng sinh của họ.

Các chuyên gia, thành viên trong phiên thảo luận, bao gồm đại diện các cơ quan quản lí nhà nước và khu vực tư nhân, đã đưa ra những đề xuất để tăng cường hợp tác đa ngành trong phòng chống kháng kháng sinh như sau:

  • Tăng tần suất các cuộc họp của ban chỉ đạo quốc gia và nhóm công tác kỹ thuật.
  • Thảo luận và xây dựng cơ chế hoạt động chung trong đó các khung thời gian và ưu tiên được xác định giữa các bộ, ban ngành.
  • Các nghiên cứu về kháng kháng sinh trong môi trường nên được thiết kế một cách có hệ thống và liên ngành để cung cấp cơ sở khoa học cho xây dựng chính sách.
  • Xây dựng hướng dẫn về sử dụng kháng sinh cùng với an toàn sinh học và phúc lợi động vật.

Khoảng  50 người tham dự cuộc họp trực tiếp và 40 người tham dự trực tuyến. Đại biểu bao gồm đại diện từ bốn bộ: Bộ Y Tế, Bộ NN & PTNT, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và Bộ Công Thương; Các đối tác phát triển như Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới; và các đại sứ quán Anh, Úc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Ngoài ra còn có cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kì, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Động Thực vật Hoa Kỳ tại Hà Nội, FHI 360, CIRAD, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford, và Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock. Những đại biểu tham dự khu vực tư nhân: EuroCham, Cargill, De Heus Animal Nutrition, Elanco, Tập đoàn VMC (Việt Nam), Hiệp hội Chăn nuôi, và Hiệp hội Chăn nuôi và Trang trại.

Đại biểu tham gia họp nhóm công tác đa nghành về kháng kháng sinh Ảnh: Trần Ngọc Sơn