Nhu cầu về các sản phẩm gia cầm đang tăng với tốc độ rất nhanh.

Kể từ năm 1990, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gia cầm bình quân trên đầu người đã tăng lên ở tất cả các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, các khu vực có sự khác nhau về tốc độ gia tăng. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2015, mức tăng thấp nhất là ở Đông Phi và Hoa Kỳ, với mức tăng lần lượt là 27% và 32%. Gần như tất cả các khu vực khác đã có mức tiêu thụ thịt gia cầm bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi.

Gia cầm hiện được nuôi theo những cách rất khác nhau. Một số gia cầm được nuôi trong các hệ thống quảng canh, “nhỏ lẻ”, thường cho năng suất thấp và tỷ lệ thất thoát cao (do bị các động vật khác ăn thịt) và tỉ lệ dịch bệnh cao. Hệ thống chăn nuôi gia cầm quảng canh chủ yếu ở các nước đang phát triển. Gia cầm cũng có thể được nuôi trong các hệ thống chăn nuôi thâm canh, được công nghiệp hóa và có tính thương mại cao. Hệ thống chăn nuôi gia cầm thâm canh có tính chuyên biệt cao (chỉ sản xuất trứng hoặc thịt), có năng suất cao hơn so với các hệ thống chăn nuôi gia cầm quảng canh, và chiếm ưu thế ở các nước phát triển.

Khi GDP của một quốc gia tăng lên, hệ thống chăn nuôi gia cầm trở nên công nghiệp hóa và thương mại hóa nhiều hơn. Các quốc gia khác nhau sẽ ở các giai đoạn khác nhau của hướng phát triển này.

Hiệu suất môi trường

Gia cầm có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất trong tất cả các loại vật nuôi. Cường độ phát thải ước tính (tức là lượng khí thải trên một đơn vị vật nuôi) đối với gia cầm thịt và trứng tương đương với 4 kg CO2 trên một kg protein thực phẩm, thấp hơn đáng kể so với gia súc cho sữa và thịt. Ví dụ, cường độ phát thải của gia súc cho sữa là từ 12-140 kg CO2 trên một kg protein thực phẩm, tùy thuộc vào loại động vật và hệ thống sản xuất.

Do đó, ăn thịt gia cầm sẽ thân thiện với môi trường hơn so với ăn các loại thức ăn có nguồn gốc động vật khác, chẳng hạn như thịt bò hoặc thịt lợn.
Tuy nhiên, trong khi chăn nuôi gia cầm tạo ra lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn so với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật khác, vẫn có các vấn đề như phúc lợi động vật, dịch bệnh và ô nhiễm liên quan đến các hệ thống chăn nuôi gia cầm.

Trong các hệ thống chăn nuôi thâm canh, gia cầm được nuôi trong điều kiện chật chội, mật độ cao có thể dẫn đến tỷ lệ chết cao hơn, hạn chế sự di chuyển của gia cầm khiến cho chân gia cầm yếu hơn. Điều kiện chuồng nuôi không cung cấp đủ ánh sáng, thông gió và không khí trong lành, cũng như không có chất lượng ổ rơm tốt có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về phúc lợi và sức khỏe gia cầm.

Dịch bệnh gia cầm

Gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Một số bệnh ảnh hưởng lớn đến động vật như vi rút cúm gia cầm độc lực cao (H5N1). Đợt bùng phát dịch bệnh năm 2003 đã giết chết hàng chục triệu con gia cầm và dẫn đến việc tiêu hủy hàng trăm triệu con gia cầm để ngăn chặn sự lây lan.

Các bệnh khác bắt nguồn từ động vật có thể rất dễ lây cho người và có khả năng gây ra đại dịch.

Các hệ thống chăn nuôi gia cầm thâm canh có thể gây ô nhiễm môi trường. Mật độ gia cầm cao làm giảm chất lượng không khí với hàm lượng bụi hữu cơ và vô cơ cao, mầm bệnh và các vi sinh vật khác cũng như hàm lượng các khí có hại như amoniac, nitơ oxit, cacbon đioxit, hiđro sunfua và metan cao.

Ô nhiễm đất và nước do các chất dinh dưỡng dư thừa, mầm bệnh và kim loại nặng có thể xảy ra do quản lí chất thải kém. Hệ thống chăn nuôi gia cầm cần phải được quản lí tốt để duy trì phúc lợi động vật, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi, và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Thịt và trứng gia cầm có nhiều dinh dưỡng. Chúng là nguồn protein và vi chất dinh dưỡng tuyệt vời. Khẩu phần của EAT Lancet đề xuất một chế độ ăn uống lành mạnh có nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, các loại đậu, dầu ăn chưa bão hòa, và một lượng nhỏ hay trung bình hải sản và gia cầm.

Với nhu cầu tiêu thụ gia cầm được dự báo sẽ gia tăng và các hệ thống chăn nuôi gia cầm thâm canh có xu hướng chiếm đa số, nhu cầu ngũ cốc làm thức ăn cho gia cầm cũng sẽ tăng lên. Dường như, diện tích đất dành cho sản xuất ngũ cốc cần được mở rộng hay việc tăng năng xuất ngũ cốc là điều không tránh khỏi. Đất được sử dụng để trồng ngũ cốc làm thức ăn cho gia cầm đang trực tiếp cạnh tranh với đất trồng ngũ cốc làm thức ăn cho con người.

Vì vậy, ai đang ăn lương thực của chúng ta?

Hãy tham gia buổi tọa đàm. Giáo sư Mario Herrero là nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu về Nông nghiệp và Lương thực, của Tổ chức nghiên cứu về Công nghệ và Khoa học khối thịnh vượng chung (CSIRO), Úc. Ông sẽ là diễn giả trong buổi tọa đàm tiếp theo của chúng tôi trong Lộ trình hướng đến Một sức khỏe. Buổi tọa đàm có tiêu đề “Các hệ thống lương thực, thực phẩm: Ưu tiên con người hay gia cầm” được tổ chức vào thứ tư, ngày 3 tháng 3 năm 2021.