Các đối tác của Hub tìm hiểu về sự tham gia của cộng đồng để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh
Published on 13/01/2021
Simone D. McCourtie/World Bank CC BY 2.0
View this page in:
EnglishCác vấn đề xung quanh sự tham gia của cộng đồng trong việc giải quyết kháng kháng sinh (AMR) ở Ấn Độ sẽ được các đối tác của Trung tâm Nghiên cứu Gia Cầm Một Sức Khỏe nghiên cứu trong khuôn khổ các dự án nghiên cứu thách thức toàn cầu GCRF Challenge Cluster sử dụng các phương pháp tiếp cận một sức khỏe trong nghiên cứu về kháng kháng sinh CE4AMR: The One Health Approach và được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, Vương Quốc Anh (UKRI).
Nghiên cứu sẽ xem xét các phương pháp tiếp cận để đưa ra các giải pháp phù hợp với địa phương và với các ưu tiên của cộng đồng cũng như với nhu cầu giải quyết vấn đề kháng kháng sinh trong khi cân nhắc các yếu tố Một sức khỏe. Nghiên cứu cũng sẽ tìm kiếm các cách thức bền vững và có thể nhân rộng để giải quyết thách thức về kháng kháng sinh. Nghiên cứu cũng tìm cách xác định các phương pháp hiệu quả để cùng với các bên liên quan trong nước và quốc tế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công cuộc kiểm soát kháng kháng sinh. Đây được xem như một chiến lược để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh trong các chương trình nghị sự của quốc gia và trên toàn cầu.
Giáo sư Fiona Tomley của trường Đại học Thú Y Hoàng Gia Anh, Giám đốc dự án Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một Sức Khỏe và nghiên cứu viên của dự án, Giáo sư Rajib Dasgupta, Đại học Jawaharwal Nehru, ủng hộ việc sử dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo có sự tham gia của cộng đồng để giải quyết các vấn đề kháng kháng sinh ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Mặc dù Ấn Độ có Chương trình Hành động Quốc gia về kháng kháng sinh tập trung vào nhiễm khuẩn bệnh viện và vào các khung quy định, nhưng có ít hoạt động ở cấp cơ sở và cộng đồng, bao gồm cả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mạng lưới nhóm nghiên cứu
CE4AMR là một mạng lưới nghiên cứu, tập hợp các chuyên gia của sáu dự án đang sử dụng các phương pháp có sự tham gia của cộng đồng để giải quyết vấn đề về kháng kháng sinh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC). Mục đích của mạng lưới nhóm nghiên cứu là tổng hợp các bài học của các dự án và xây dựng các đề xuất nghiên cứu đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng vào các phương pháp có sự tham gia của cộng đồng để nghiên cứu về kháng kháng sinh và có cân nhắc các yếu tố con người, động vật và môi trường (cách tiếp cận Một sức khỏe).
Kết quả sẽ bao gồm một sổ tay thảo luận về các cách mà các phương pháp cộng đồng có thể tiếp cận vấn đề kháng kháng sinh, khắc phục sự cố, chỉ ra những thách thức và phương pháp thực hành tốt nhất trong lĩnh vực này, cùng với các nghiên cứu điển hình được tiến hành trong các dự án.
Mạng lưới nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Đại học Leeds và bao gồm những nghiên cứu viên ở Anh, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Ghana, New Zealand và Việt Nam. Ngoài các cơ quan học thuật, các đối tác của tổ hợp là các tổ chức phi chính phủ và các nhóm từ thiện. Sự đa dạng của mạng lưới là chìa khóa để giải quyết thách thức kháng kháng sinh tại các nước có thu nhập thấp và trung bình và cung cấp nhiều kiến thức, kinh nghiệm của các cộng đồng tham gia.
Kháng kháng sinh là một thách thức và là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một Sức Khỏe đang nghiên cứu về vấn đề kháng kháng sinh tại các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka và Việt Nam, đánh giá quần thể vi sinh vật trong ruột gà và đo mức độ phơi nhiễm của gà với các loại thuốc kháng sinh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh như các chất kích thích tăng trưởng (AGP) trên gia súc và gia cầm, tuy nhiên việc sử dụng liên tục và không đúng cách, đặc biệt là trong chăn nuôi gia cầm, vẫn là nguyên nhân chính trong việc tạo ra vi khuẩn kháng thuốc, cũng như làm lây truyền từ động vật sang người. Điều này được cho là do người chăn nuôi và các đối tượng khác trong ngành chăn nuôi gia cầm tiếp cận dễ dàng với các chất kháng sinh sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng trong thức ăn (AGP) và để điều trị, thường không cần kê đơn và cách sử dụng cũng như liều lượng kháng sinh không phù hợp.
Các hành vi gây nguy cơ
Trong khi cơ chế dẫn đến kháng kháng sinh là quá trình sinh học, các hành vi gây ra nguy cơ này bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế và xã hội xung quanh việc chăn nuôi gia cầm và bị ảnh hưởng bởi nhận thức của người dân về mối nguy hại của dịch bệnh và sự cần thiết phải đưa động vật ‘khỏe mạnh’ ra thị trường cũng như hiệu quả và lợi nhuận của việc chăn nuôi.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến hành vi của con người bao gồm kinh nghiệm và truyền thống, sinh kế của bản thân, các mạng lưới hỗ trợ của địa phương và các giá trị cộng đồng, và các yếu tố bên ngoài như giá cả, thực thi luật pháp và quản trị ở địa phương, và những chấn động như đại dịch COVID-19.
Các đối tác khác trong CE4AMR là tổ chức HERD, Tổ chức ARK, tổ chức ImaginationLancaster, Đại học Lancaster, Trường Y học Nhiệt đới London (LSHTM), Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, Viện Nghiên cứu Y khoa Noguchi Memorial và Viện Y tế Công cộng Ấn Độ.
Tài trợ của nhóm nghiên cứu thách thức được trao cho các đề xuất tập hợp thành công các dự án do Quỹ Nghiên cứu các thách thức toàn cầu tài trợ cùng với các đối tác từ các tổ chức phi chính phủ, đối tác trong ngành công nghiệp, tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội và các nhà hoạch định chính sách đồng ý hợp tác cùng nhau để xúc tiến quá trình giải quyết một thách thức toàn cầu nào đó.