Kết quả nghiên cứu của Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe cho thấy cách tiếp cận toàn diện hơn đối với sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam
Published on 23/03/2024
Dao Duy Tung
View this page in:
EnglishKết quả nghiên cứu của Dự án cho thấy các nguy cơ sức khỏe cộng đồng có liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam- và những hạn chế của các biện pháp can thiệp kỹ thuật đơn thuần để giảm nguy cơ dịch bệnh.
Kết quả nghiên cứu đã được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Dự án được tổ chức ở Thành phố Hạ Long, phía Bắc Việt Nam, với sự tham dự của các bên liên quan từ chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức quốc tế, và các nhà khoa học.
Kết quả nghiên cứu chính bao gồm:
- Hơn 20% gà ở chợ gia cầm sống và lò mổ ở phía Bắc Việt Nam dương tính với vi rút cúm gia cầm H9N2. Mặc dù vi rút H9N2 được xem như là chủng có độc lực thấp (chỉ gây bệnh nhẹ), nó có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể trong chăn nuôi và thường có vai trò cung cấp nguồn gen cho sự xuất hiện của các biến thể vi rút mới. Do đó, vi rút H9N2 được coi là một mối đe dọa đại dịch tiềm tàng.
- 50% cơ sở giết mổ và chợ gia cầm dương tính với vi khuẩn Salmonella, một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm.
- 30% chợ gia cầm và cơ sở giết mổ dương tính với vi khuẩn Campylobacter, một loại vi khuẩn khác gây ngộ độc thực phẩm.
Một bộ 5 bản khuyến nghị chính sách đề xuất các hướng đi cho việc chăn nuôi gà an toàn và bền vững tại Việt Nam dựa trên kết quả nghiên cứu quan trọng của Dự án cũng được giới thiệu tại hội nghị này.
Từ năm 2010 đến 2020, tổng đàn gia cầm của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 5,6% mỗi năm. Dự kiến đến năm 2025, tổng đàn gia cầm sẽ vượt mốc 500 triệu con, tương ứng với sản lượng 18 tỷ quả trứng mỗi năm. Thâm canh chăn nuôi gia cầm tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh (mầm bệnh) xuất hiện và lây lan, gây ảnh hưởng đến nỗ lực sản xuất thực phẩm an toàn và bền vững. Nó cũng làm tăng nguy cơ ‘lây truyền’ mầm bệnh từ động vật sang con người, dẫn đến các đợt bùng phát dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ đại dịch trong tương lai.
Các nghiên cứu viên của Dự án đã thu thập và phân tích hàng nghìn mẫu sinh học (mẫu máu, mẫu phân, mẫu ruột….) ở gà tại các trang trại, các chợ gia cầm sống và cơ sở giết mổ tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, và Quảng Ninh.
Họ đã phỏng vấn hàng trăm người chăn nuôi, thương lái, công nhân giết mổ và những người khác làm việc trong ngành hàng gia cầm. Họ cũng nghiên cứu các chính sách và quy định hướng dẫn liên quan đến gia cầm và phỏng vấn những người làm việc trong các cơ quan quản lí ở lĩnh vực chăn nuôi.
Kết quả khác của Dự án ở Việt Nam bao gồm:
- Tỷ lệ lưu hành của vi rút cúm gia cầm H9N2 tăng dần khi gà được chuyển từ trang trại đến chợ và cơ sở giết mổ (tăng gấp 2 đến 5 lần). Tỷ lệ lưu hành cao nhất được tìm thấy tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ (30%).
- Tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm H9N2 ở gà thịt lông màu cao hơn so với gà thịt lông trắng. Kết quả phân tích từ các lần lấy mẫu lặp lại ở trang trại gà cho thấy ít nhất 20% các lứa gà dương tính với vi rút H9N2. Kết quả này cho thấy hầu hết gà nuôi ở Việt Nam phơi nhiễm với H9N2 tại một số thời điểm trong chu kỳ sinh trưởng.
- 6% gà ở các chợ và cơ sở giết mổ có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép (theo qui định của Liên minh Châu Âu). Kết quả này cao hơn từ 60 đến 120 lần so với kết quả phân tích ở Châu Âu (0,05-0,1% gà ở Châu Âu có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép). Trong thịt gà ở Việt Nam có tồn dư một số loại kháng sinh quan trọng đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như fluoroquinolones. Những kháng sinh này được khuyến cáo nên hạn chế dùng cho động vật.
Kết quả nghiên cứu của Dự án làm sáng tỏ chiến lược sinh kế mà người dân Việt Nam đã tiến hành trong chăn nuôi và buôn bán gà. Những chiến lược này có cả sự đa dạng và chuyên môn hóa. Quan trọng là kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy các yếu tố xã hội, kinh tế, và văn hóa đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc xác định ai có nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ đó là gì và nơi nào có nguy cơ lớn nhất. Nó cũng cho phép xem xét các chiến lược thay thế có hiệu quả hơn để giảm thiểu nguy cơ (xem ví dụ trong hộp thông tin bên dưới).
Hướng đến các chiến lược hiệu quả hơn để giảm nguy cơ dịch bệnh
Ví dụ 1: Bảo vệ sinh kế của người dân
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng biến động mạnh về giá mua bán gà có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của chủ trang trại. Do đó, người chăn nuôi phải điều chỉnh các hoạt động của mình để duy trì hoạt động kinh doanh. Họ thường phải ưu tiên các mục tiêu ngắn hạn, tập trung vào việc ứng phó khi dịch bệnh phát sinh, thay vì có tầm nhìn dài hạn và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Do đó, các hành động bảo vệ người chăn nuôi khỏi biến động thị trường có thể mang lại lợi ích lâu dài hơn so với cách tiếp cận cộng đồng truyền thống như tập huấn về an toàn sinh học.
Ví dụ 2: Cải thiện giết mổ gia cầm ở qui mô nhỏ
Mặc dù chính sách lâu dài của Chính phủ Việt Nam là khuyến khích xây dựng và sử dụng các lò mổ quy mô lớn, hiện đại, nhưng các yếu tố như sự đa dạng của hình thức giết mổ, quyền sử dụng đất, và sở thích ẩm thực lại hạn chế việc phát triển và vận hành các cơ sở này. Việc hỗ trợ những người giết mổ nhỏ lẻ hoạt động trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng.
Các khuyến nghị chính sách
Năm bản khuyến nghị chính sách được các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam viết đã đưa ra những đề xuất từ các kết quả nghiên cứu về: an toàn sinh học, Một sức khỏe, chợ gia cầm, giết mổ gia cầm, và giới:
- Tìm đọc: ‘Chính sách có thể làm thay đổi hành vi để chăn nuôi gia cầm khỏe mạnh như thế nào’
- Tìm đọc: ‘Tăng cường Một sức khỏe có thể kiểm soát dịch bệnh từ gia cầm’
- Tìm đọc: ‘Hướng tới một thị trường được quản lí tốt hơn cho hoạt động kinh doanh gia cầm an toàn ở Việt Nam’
- Tìm đọc: ‘Đề xuất phương án giết mổ gà an toàn: quan tâm đến quyền sử dụng đất, sinh kế, và sở thích người tiêu dùng’
- Tìm đọc: ‘Tại sao vấn đề giới lại quan trọng trong ngăn ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm’
Tham tán Nông nghiệp của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, ông Matthew Albon-Crouch đã khẳng định: “Vương quốc Anh cam kết trong việc duy trì “Một Sức Khỏe” cả trong nước và trong các hoạt động quốc tế được thể hiện qua những thành tựu nổi bật đạt được tại Việt Nam kể từ năm 2019 thông qua dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe. Dự án được phối hợp thực hiện với các đối tác uy tín như Trường Đại học Thú y Hoàng gia Anh, CIRAD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Thú y, Viện Vệ sinh và Dịch tễ trung ương, Viện Chăn nuôi, và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Phương pháp tiếp cận tích hợp có vai trò rất quan trọng để đối phó với các mối đe dọa ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội, bao gồm các bệnh truyền lây từ động vật sang người, an ninh lương thực và kháng kháng sinh.”